Làm thế nào để học tiếng nước ngoài hiệu quả

Thứ năm - 22/07/2004 14:01 888 0
Ngày nay khi ngoại ngữ đang là một yêu cầu không thể thiếu được trong học tập và là một tiêu chí quan trọng để tuyển nhân viên của các công ty thì một vấn đề được đặt ra là: Làm sao có thể học ngoại ngữ hiệu quả và nhanh chóng. Dưới đây chúng tôi xin trình bày một vài kinh nghiệm thu được từ những người giỏi ngoại ngữ như GS Vũ Văn Tảo nguyên Vụ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo, người nói và viết thành thạo năm ngoại ngữ, GS Lê Khánh Bằng 5 ngoại ngữ và có thể hiểu một số ngoại ngữ khác, GS Trần Văn Hà thông thạo ba ngoại ngữ...

- Trước khi học cần phải xác định mục đích học ngoại ngữ rõ ràng: Mục đích có thể đơn thuần là giao tiếp đơn giản, học để có thể đi học đại học, đi giảng dạy... Ngay cả khi xác định học Đại học thì cũng cần phải xác định là học theo ngành gì để có thể chú trọng tập trung vào cái ta cần. Ngôn ngữ là một ngành học rất lớn, nếu như bạn không tự khoanh vùng học cho mình thì dù bạn có bỏ sức ra bao nhiêu thì cũng chỉ như muối bỏ bể, hiệu quả đạt được không cao. Có một số bạn sinh viên, khi sang nước ngoài du học sau một thời gian vẫn chưa đọc nổi giáo trình đại học mặc dù rất chăm học. Nguyên nhân là do họ đã không xác định đúng mục đích nên bỏ rất nhiều thời gian đọc tiểu thuyết bằng tiếng nước ngoài, kết quả là tuy tiếng Đức có tiến bộ hơn nhiều người khác nhưng vẫn không thể nào đọc nổi giáo trình đại học vì nhiều từ chuyên môn.

- Học cần theo giai đoạn: Đây là một việc rất quan trọng mà nhiều người bỏ qua. Nhiều bạn khi học chương trình sơ cấp vì thấy dễ đã nóng vội nhảy sang chương trình trung cấp. Đó là một sự sai lầm, vì việc học ở mỗi giai đoạn sẽ có mục đich hoàn toàn khác nhau. Nếu như sơ cấp giúp chúng ta có một “cảm xúc” về ngôn ngữ, rằng ta có thể cảm nhận về các cấu trúc ngôn ngữ, cấu trúc từ ngữ thì chương trình trung cấp sẽ dạy cho ta cách đào sâu kiến thức ngữ pháp hơn. Cho nên có thể nói phần sơ cấp tưởng đơn giản mà không đơn giản là vì vậy.

- Không nên nóng vội quá lo lắng: Để đạt được một khả năng nào đó thì cũng cần có cả môi trường tương ứng. Nhiều người học đến trình độ Toefl 600 khi sang Mỹ vẫn chưa thể nghe giảng được dễ dàng mà cần có thời gian thích ứng. Nếu như bạn nào cầu toàn mà đòi hỏi khi học tiếng đã đạt được khả năng đó thì là điều không thể vì không có môi trường tương ứng. Việc hiểu rõ các giai đoạn cũng sẽ giúp các bạn không quá sốc khi phải tiếp xúc với một yêu cầu cao khi chuyển từ giai đoạn học tiếng sang giai đoạn học đại học.

- Xác định tài liệu học rõ ràng: Theo ý kiến của tôi ngoài tài liệu giảng viên đề nghị theo chương trình sơ cấp, trung cấp,…. Thì chúng ta cũng nên chủ động tự học bằng cách đọc thêm sách chuyên ngành mà ta định học. Tôi lấy ví dụ rất nhiều bạn đi du học ở Đức đã rất sợ khi nghĩ rằng sau khi học xong bằng trung cấp tiếng Đức sẽ không đọc sách tiếng Đức được. Điều đó đúng một phần vì đúng là so với sách chuyên ngành thì bằng trung cấp tiếng Đức vẫn còn có một khoảng cách khá xa. Nhưng họ cũng quên mất là nếu học theo hệ Dự bị đại học thì mặc dù mới chỉ có bằng cơ sở cũng đã phải đọc sách chuyên ngành rồi. Và theo tôi thì điều đó vẫn hợp lý. Rất nhiều bạn tôi sau khi học xong cấp 3 đã chủ động tự đọc thêm sách tiếng Anh chuyên ngành, kết quả là họ tuy không đi học thêm tiếng Anh nhưng vẫn có một trình độ khá tốt so với những người khác. Cách học thực dụng này cũng nên áp dụng đối với những bạn đang định theo các khoá học mang tính chất ôn luyện đi nước ngoài. Trong thời gian học khoá học đó bạn nên chủ động đọc sách chuyên ngành trước. Như thế vừa ôn luyện lại kiến thức cũ lại có thể vững vàng hơn khi học đai học.

- Thời gian rõ ràng: Một phương pháp học tốt cần có một thời gian biểu tốt. Học ngoại ngữ cũng cần có sự bền bỉ và đều đặn. Cần xác định hàng ngày bỏ ra thời gian bao lâu để học ngoại ngữ và bao lâu thì xong một giai đoạn. Tránh sự tập trung thái quá trong một thời gian dài rồi sau đó vì mỏi mệt lại buông một thời gian dài. Ngoài ra cũng cần xác định là không thể học quá nhiều trong một đơn vị quá ngắn. 

- Sử dụng các biện pháp có được: Nhiều bạn luyện nghe nói bằng cách nghe đài, nghe đĩa thật nhiều. Theo tôi phương pháp đó chưa phải tối ưu bằng tăng cường tiếp xúc với Tây du lịch. Khi còn nhỏ chúng tôi thường hay ra khu Hồ Gươm để có thể gặp và nói chuyện người nước ngoài, qua đó có thể luyện ngoại ngữ nhanh chóng và hiệu quả hơn. Thông thường người nước ngoài du lịch đến Việt Nam rất lịch sự và họ cũng muốn tiếp xúc với người bản địa để hiểu thêm về con người Việt Nam. Nếu như biết lợi dụng tâm lý này thì ta có thể vừa quen được thêm nhiều bạn nước ngoài lại vừa rèn luyện ngoại ngữ. Tuy nhiên người Việt Nam thường ngại ngần khi tiếp xúc với người nước ngoài, ngay cả khi ra nước ngoài. Những người này chỉ thích tiếp xúc với người Việt Nam và nghe nhạc Việt Nam, không chịu tìm hiểu văn hoá nước bạn và kết quả là dù ở đã lâu nhưng vẫn chưa thể thích ứng cuộc sống xứ người.

- Học người đi trước: Nên chú trọng học hỏi người đi trước, như thế thời gian vừa tiết kiệm hơn, tránh nhiều sai lầm, tiết kiệm tiền.

- Học trước tài liệu chuyên ngành: Sau khi học xong chương trình sơ cấp thì chúng ta nên chủ động đọc thêm sách tham khảo bằng tiếng nước ngoài. Như thế sẽ giúp chúng ta có kiến thức vừng chắc hơn và có chủ động hơn trong học tập, khi vào học kiến thức bằng ngoại ngữ trong đại học sẽ không quá ngỡ ngàng

- Tìm hiểu văn hoá của các nước mình đang du học: Đó là một nhiệm vụ rất quan trọng. Ngoài việc sẽ giúp ta sớm hoà đồng với cuộc sống mới bên nước ngoài, còn giúp ta hiểu hơn về ngôn ngữ mình đang học. Vì sự phát triển của ngôn ngữ luôn gắn liền với sự phát triển của văn hoá. Hiểu được văn hoá thì cũng là sẽ hiểu được ngôn ngữ. Những người hiểu được về văn hoá của đất nước mình đang ở sẽ có những cơ hội phát triển tốt hơn so với những người khác.

Trên đây là một vài kinh nghiệm học ngoại ngữ hiệu quả. Hy vọng sẽ giúp ích các bạn.

Tác giả bài viết: Anh Thư

Nguồn tin: Viện Nghiên cứu Giáo dục quốc tế

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây